Chuyển hướng sang bất động sản, Hoà Phát đang sở hữu quỹ đất 'khủng' thế nào?

05/05/2021 14:57

Sau một năm phát triển “bùng nổ” trong lĩnh vực thép, tại ĐHCĐ mới đây, Hoà Phát gây nhiều chú ý khi bất ngờ tuyên bố sẽ đẩy mạnh đầu tư sang lĩnh vực bất động sản. Trên thực tế, doanh nghiệp này đã tham gia đầu tư bất động sản từ sớm và đang nắm trong tay quỹ đất khá lớn.

3 dự án “đất vàng” Hà Nội

Năm 2020, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) đạt doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục, lần lượt là 91.279 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với năm trước và 13.506 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 78% so với cùng kỳ.

Theo ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hòa phát, năm nay, doanh thu của tập đoàn có thể đạt 120.000-140.000 tỷ đồng, nếu hoàn thành Dung Quất giai đoạn 2, con số này có thể tăng lên trên 200.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng khi đó việc phát triển thêm các sản phẩm sau thép sẽ không dễ, với quy mô như hiện nay, sớm muộn Hòa Phát cũng phải hướng tới mô hình đa ngành.

Chia sẻ tại buổi họp ĐHĐCĐ mới đây, ông Long cho biết: "Không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản, không phải bất động sản khu công nghiệp mà trọng tâm là bất động sản nhà ở”.

Hòa Phát dự tính sẽ "đi bằng hai chân" trong mảng kinh doanh này. Một phần tập đoàn sẽ tìm những địa điểm phù hợp tại các địa phương để xây dựng khu đô thị, tiến hành các bước từ đầu như đấu giá đất, xin quy hoạch, lập dự án...

Ngoài ra, một hướng khác là Hòa Phát đi M&A các dự án có sẵn để rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn khẳng định sẽ không M&A bằng mọi giá và "chỉ làm khi thấy lợi".

Trên thực tế, Tập đoàn Hòa Phát đã tham gia đầu tư bất động sản từ sớm và đã nắm trong tay quỹ đất khá lớn với hàng loạt dự án chung cư, khu công nghiệp, khu đô thị,…

Trong đó, Hòa phát đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 3 dự án nhà nhà ở tại những vị trí khá đắc địa, gồm: Mandarin Garden 2 và Chung cư Hòa Phát 257 Giải Phóng.

Phối cảnh dự án CHCC 257 Giải Phóng.

Dự án Mandarin Garden tọa lạc tại khu đất N03 Đông Nam Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm trên mặt đường Hoàng Minh Giám, được xây dựng trên khu đất 25.886m2. Dự án khởi công vào năm 2009 và hoàn thiện, bàn giao cho khách hàng vào năm 2013, gồm 4 tòa tháp cao từ 25 đến 29 tầng cung cấp 1008 căn hộ cao cấp.

Các căn hộ có diện tích từ 114m2 đến hơn 297m2, thời điểm bàn giao vào năm 2013, giá trị căn hộ Mandarin Garden khoảng từ trên 3 tỷ đồng đến khoảng 8 tỷ đồng với phương án bàn giao thô, khoảng trên 4 tỷ đồng đến trên 11 tỷ đồng với phương án bàn giao có nội thất.

Trong năm 2009, Tập đoàn Hòa Phát cũng khởi công xây dựng tòa chung cư Hòa Phát số 257 Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Chung cư Hòa Phát Giải Phóng có quy mô chiều cao 24 tầng, bao gồm 5 tầng dành cho Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, 19 tầng căn hộ chung cư cao cấp. Ngoài ra, tổ hợp còn có 3 tầng hầm để xe, 1 tầng trệt và 2 tầng kỹ thuật. Tòa nhà được bàn giao và chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 3 năm 2012.

Dự án nhà ở thứ 3 của Hòa Phát là khu thương mại, dịch vụ và chung cư cao cấp Mandarin Garden 2 tại số 493 Trương Định, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Phối cảnh dự án Mandarin Garden 2.  

Theo giới thiệu, dự án có tổng diện tích khu đất sử dụng 12.932 m2, gồm 4 khối nhà cao 17-30 tầng chung khối đế từ tầng 1 đến tầng 6, tầng 7 – tầng 30 là khu căn hộ cao cấp với quy mô 640 căn hộ.

Thời điểm ra mắt thị trường vào năm 2016, dự án có giá bán từ 30 triệu đồng/m2, và đến năm 2018 Mandarin Garden 2 được bàn giao, đưa vào sử dụng.

Quỹ đất “khủng” tại các KCN

Với mảng bất động sản khu công nghiệp, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật ba KCN bao gồm KCN Phố Nối A và KCN Yên Mỹ II tại Hưng Yên; KCN Hòa Mạc – Hà Nam.

Trong đó, Khu công nghiệp Phố Nối A – Hưng Yên, nằm liền kề Quốc lộ 5A, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 24km, với quy mô 600ha là Khu công nghiệp tập trung đa ngành nghề do chính phủ Việt Nam thành lập từ năm 2004.

KCN này hiện là địa điểm hoạt động của hơn 100 doanh nghiệp từ nhiều quốc gia trên thê giới, trong đó có những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng tới từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

KCN Phố Nối A - Hưng Yên. Ảnh: Hòa Phát.

Còn KCN Yên Mỹ II – Hưng Yên nằm giữa 2 tuyến quốc lộ 5A và 5B, có tổng diện tích quy hoạch 300ha (giai đoạn 1 là 97,5ha). Hiện, KCN Yên Mỹ II đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến thuê đất làm nhà xưởng và đầu tư, sản xuất…

Tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phát Hưng Yên (thuộc Hòa Phát) được duyệt chủ trương mở rộng KCN Yên Mỹ 2, phạm vi mở rộng là 216 ha.

Cùng thời gian này, tỉnh Hưng Yên quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Điều chỉnh mở rộng Khu công nghiệp (KCN) Yên Mỹ II. Tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 647,51 ha. Đơn vị tổ chức lập quy hoạch là Hòa Phát Hưng Yên.

Tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 647,51 ha. Trong đó, khu vực giáp ranh KCN Yên Mỹ II khoảng 334,01 ha. Khu vực lập điều chỉnh mở rộng KCN Yên Mỹ II khoảng 313,5 ha (giai đoạn 1 đã được phê duyệt là 97,5 ha và phạm vi mở rộng là 216 ha).

Mục tiêu của đồ án nhằm làm cơ sở triển khai lập dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các công trình công nghiệp, nhà máy, kho tàng,..; tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào KCN,...

Một KCN khác Hòa Phát có quỹ đất tương đối lớn là KCN Hòa Mạc – Hà Nam,nằm  trên quốc lộ 38 tại địa phận thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, có gần Quốc lộ 1A dễ dàng kết nối với các tuyến đường giao thông quan trọng.

KCN Hòa Mạc có quy mô 203 ha, tập trung đa ngành nghề do chính phủ Việt Nam thành lập từ năm 2008. Hiện nay Khu công nghiệp Hòa Mạc đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp đến từ các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu…

Các thông tin quảng cáo dự án KĐT Hòa Phát Phố Nối.

Ngoài các dự án chung cư cao tầng và các KCN, hiện một số website mua bán nhà đất còn giới thiệu Hòa Phát là chủ đầu tự dự án Khu đô thị Hòa Phát Phố Nối tại thị xã Mỹ Hào – Hưng Yên.

Theo đó, dự án có tổng diện tích 300 ha, do Tập đoàn Hòa Phát (một số website giới thiệu là Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển Đô thị Hòa Phát – thành viên của Tập đoàn Hòa Phát) làm chủ đầu tư. Bao gồm chung cư, biệt thự, liền kề, shophouse, các khu thể thao, trung tâm mua sắm, trường học, phòng khám…

Doanh thu BĐS chiếm chưa tới 1%

Dù tham gia đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khá sớm, tuy nhiên nhìn vào doanh thu mảng bất động sản của Hòa Phát những năm qua, có thể thấy, đóng góp của mảng này không đáng kể đối với tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Thống kê trong 10 năm gần đây, doanh thu từ mảng bất động sản của Hòa Phát có thời điểm góp tới 10,4% tổng doanh thu, đạt 2.685 tỷ đồng như năm 2014, còn trong năm 2020 chiếm chưa tới 1%.

Doanh thu BĐS của Hòa Phát năm 2020 chiếm chưa tới 1%.

Hơn nữa trong đầu tư bất động sản, Hòa Phát cũng bị đánh giá là quá "non tay" trong chiến lược kinh doanh và phát triển sản phẩm... đặc biệt khi doanh nghiệp mở bán dự án Mandarin Garden vào năm 2010 với mức giá 45 triệu đồng/m2.

2 năm sau đó, vào năm 2012, Tập đoàn Hòa Phát đã giảm mạnh giá bán, chỉ còn từ 29 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm nội thất đầy đủ) đến 35 triệu đồng/m2 (với căn hộ có nội thất đầy đủ). Như vậy, dự án đã giảm khoảng 10 triệu đồng/m2 so với trước đó.

Các chuyên gia nhận định, việc giảm sâu giá bán cho thấy sự bất hợp lý trong việc định giá bán, giá trị căn hộ của doanh nghiệp. Dự án được mở bán ở thời điểm thị trường bất động sản gần như “đóng băng” nhưng mức giá đưa ra quá cao, không phù hợp với bối cảnh thị trường nên không thu hút được người mua.

Không bán được hàng, doanh nghiệp đã tiếp giảm giá bán căn hộ với mức giảm sâu gây “sốc”, nhưng đây tiếp tục được cho là một cách xử lý sai lầm bởi điều này sẽ làm giảm giá trị sản phẩm, giảm uy tín, thương hiệu chủ đầu tư trên thị trường bất động sản.

Hơn nữa, doanh nghiệp cũng không chú trọng việc truyền thông, quảng bá cho các dự án trong quá trình đầu tư, kinh doanh nên ở mảng này, cái tên Hòa Phát không để lại nhiều ấn tượng…

Có thể nói, qua hơn 10 năm tham gia đầu tư bất động sản, Hòa Phát từng không coi bất động sản là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp doanh thu quá nhỏ so với tổng doanh thu của Tập đoàn, các dự án doanh nghiệp đầu tư cũng không thực sự nổi trội.

Vì vậy, để hiện thực hóa tham vọng trở thành một tập đoàn đa ngành, trong đó đẩy mạnh đầu tư bất động sản, Hòa Phát cũng cần phải nhìn lại những "bài học" trong quá khứ, tránh lặp lại những sai lầm tương tự để bảo vệ và duy trì đà tăng trưởng đang trong giai đoạn đỉnh cao của doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết "Chuyển hướng sang bất động sản, Hoà Phát đang sở hữu quỹ đất 'khủng' thế nào?" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).