Sự phân biệt đối xử về vaccine đã tạo ra lò ấp biến chủng Omicron

06/12/2021 09:30

Việc biến chủng Omicron được phát hiện ở miền Nam châu Phi đã nêu bật lên thực tiễn là nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp có thể tạo điều kiện cho virus đột biến và lây lan.

Châu Phi khó có cơ hội vượt qua đại dịch Covid-19 trừ khi 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2022. Thế nhưng, "sự phân biệt đối xử nghiêm trọng về vaccine" đang khiến châu lục này bị tụt lại phía sau, theo báo cáo được công bố ngày 6/12.

Việc phát hiện ra biến chủng Omicron ở miền Nam châu Phi đã nêu bật lên thực tiễn là nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp có thể tạo điều kiện cho các virus đột biến, từ đó đe dọa lây lan sang các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn nhiều.

Tới nay, chỉ có 5 trong số 54 quốc gia ở châu Phi đang trên đà đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số vào cuối năm 2021, Quỹ Mo Ibrahim cho biết trong báo cáo về Covid-19 ở châu Phi, theo Reuters.

Một châu Phi vói tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể trở thành lò ấp hoàn hảo cho các biến chủng. Ảnh: Bloomberg.

Tại châu Phi, cứ 15 người thì mới chỉ có một người được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19, so với gần 70% dân số ở nhóm các nước G7, theo dữ liệu của Quỹ Mo Ibrahim.

Quỹ này do một tỷ phú viễn thông Sudan thiết lập nhằm thúc đẩy quản trị và phát triển kinh tế châu Phi.

"Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng này, tổ chức của chúng tôi và các tiếng nói châu Phi khác đã cảnh báo rằng một châu Phi chưa được tiêm chủng có thể trở thành lò ấp hoàn hảo cho các biến chủng", chủ tịch của Mo Ibrahim cho biết trong một tuyên bố.

“Sự xuất hiện của Omicron nhắc nhở chúng ta rằng Covid-19 vẫn là một mối đe dọa toàn cầu và tiêm chủng cho toàn thế giới là con đường duy nhất”, ông nói thêm. "Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục sống với sự phân biệt đối xử nghiêm trọng về vaccine và châu Phi nói riêng đang bị bỏ lại phía sau".

Nguồn cung vaccine rơi vào tình trạng thiếu hụt ở châu Phi sau khi các nước phát triển đã nhanh tay đặt hàng trước tiên với các hãng dược phẩm trong khi chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu, COVAX, khởi đầu chậm chạp.

Báo cáo cho biết việc cung cấp vaccine cho châu Phi đã gia tăng trong những tháng gần đây, nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém và cơ sở hạ tầng hạn chế đang kìm hãm việc triển khai tiêm chủng.

Ngoài ra, những rối loạn về thời hạn sử dụng ngắn của vaccine được quyên tặng, dẫn đến việc nhiều liều vaccine buộc phải bị tiêu hủy.

Bạn đang đọc bài viết "Sự phân biệt đối xử về vaccine đã tạo ra lò ấp biến chủng Omicron" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).